Dưới đây là những chia sẻ vô cùng tâm huyết từ bạn Nguyễn Hữu Gia Bảo về bài luận học bổng. Hãy cùng Sandla theo dõi nhé!
Sâu cuốn lá: Hô hào chung chung
Từ quan sát của bản thân, môn Ngữ văn ở trường phổ thông chuộng cách hành văn dông dài và ước lệ. Mở bài gián tiếp. Kết bài gián tiếp. Những diễn đạt hoa mỹ, những phép ẩn dụ, hoán dụ, ví von đầy màu sắc có thể gợi lên sự đồng cảm giữa những người cùng nói tiếng Việt nhưng chưa chắc sẽ “chiếm lấy trái tim” của hội đồng xét duyệt – vốn gồm cả những thành viên đến từ các nền văn hoá khác nhau.
Sự mập mờ trong câu chữ hay hô hào sáo rỗng, chung chung thường xuất hiện khi bạn nói về dự định tương lai của mình.
Một số câu hỏi gợi ý để “diệt sâu cuốn lá”:
- Trong ngành bạn lựa chọn có những mảng nhỏ nào mà bạn muốn tập trung vào? Vì sao bạn chọn mảng nhỏ đó? Câu hỏi nghiên cứu mà bạn muốn theo đuổi là gì?
- Để đạt được mục tiêu (ví dụ, làm cho ngành X phát triển hơn), bạn – với nền tảng sẵn có cũng như kiến thức và kinh nghiệm sau mấy năm học ở nước ngoài – sẽ cần làm gì? Lộ trình thực hiện ra sao? Học bổng này đóng vai trò như thế nào trong việc hiện thực hoá kế hoạch đó?
- Đâu là điểm khiến bạn khác biệt/nổi bật so với các thí sinh khác? Có điều gì bạn làm được mà các bạn khác khó lòng làm được, hoặc biết để mà làm?
Sâu đục thân: Vẽ nên một hình dung lỗ chỗ
Bài viết cô đọng và súc tích không chỉ giúp khắc hoạ sắc nét hình ảnh của bạn trong tâm trí hội đồng tuyển chọn mà còn khiến cho quá trình đọc 1.000 từ có lẻ trở thành trải nghiệm thú vị thay vì nỗi khổ sở nhọc nhằn.
Liệt kê toàn bộ chiến tích của bản thân là không nên và không cần thiết. Quan trọng hơn cả là lựa chọn ra những gì mà bản thân tâm đắc nhất và ăn khớp với tiêu chí mà học bổng tìm kiếm ở ứng viên. Đôi lúc ta không thấy được tiềm năng từ một câu chuyện có-vẻ-tầm-thường. Một trong những cách mà tôi thường áp dụng là đều đặn mỗi tháng dành ra vài tiếng đồng hồ để suy ngẫm về những sự kiện đã diễn ra trong khoảng thời gian đó rồi ghi chú lại. Đây là nguồn tham chiếu quý giá được tôi sử dụng làm dẫn nhập, ví dụ hoặc kết luận cho bài viết của mình.
Sâu vẽ bùa: Kể một câu chuyện nhạt nhoà
Một quyển sách hướng dẫn viết luận vào các trường Ivy League mà tôi từng đọc đã kể rằng có nhiễu cô cậu học trò “vật vã” đến mức tuyên bố tôi không thể viết nổi một bài luận thực sự xuất sắc vì gia đình không có gì kịch tính xảy ra. Họ lý sự rằng nếu có ai chết bất đắc kỳ tử, tôi hẳn là đã không ngồi đây than rồi. Trước phản ứng ấy, tác giả bình luận “không phải đâu, vấn đề là cách kể thôi, chứ đời người mà, dễ gì không có chuyện để kể, dù có là cuộc đời bình dị nhất đi chăng nữa”.
Chẳng lấy đâu xa, bài luận của chính tôi nếu kể vắn tắt trong vài gạch đầu dòng kiểu IELTS Speaking Part 2 thì nghe chán chết đi được. Theo đuổi ngành ngôn ngữ học, tôi tự nhủ rằng mình cần làm chủ con chữ, biến những thứ tưởng chừng như nhạt thếch thành cực kì thú vị. Ở một phương diện nào đó, tôi thấy mình cần phải thể hiện mình am tường ngôn ngữ hơn cả cánh nhà báo, những người hằng ngày dùng bút lực để đấu tranh cho sự thật. Do đó, tôi đầu tư rất nhiều chất xám vào cách thể hiện câu chuyện, tự mình mài dũa rồi đưa cho hai người bạn bản xứ đọc và nhận xét. Sau khi chỉnh sửa, tôi đọc bản cuối cùng và tự tin rằng viết thế này thì ít nhất cũng vào được vòng phỏng vấn!
Sâu năn: Tự biến mình thành “mỏ than lộ thiên”
Đại khái là bạn “chết chìm” luôn trong tình huống khó khăn, hoặc nói điều không hay về những người có liên quan, đổ lỗi cho cơ quan cũ, cho người này người nọ. Người đọc sẽ có cảm giác bạn đang đánh vào lòng thương của họ.
Thay vì tự biến mình thành “mỏ than lộ thiên”, hãy viết về những thách thức đó như là một phần của hành trình trưởng thành.
Nguồn: Nguyễn Hữu Gia Bảo
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.