Ngoài truyền tải thông điệp tích cực về việc dũng cảm sống đúng với chính mình thì bộ phim tuổi teen “Love, Simon” còn chứa đựng nhiều nét văn hóa Mỹ đặc trưng có thể bạn đã bỏ lỡ. Bài viết dưới đây có thể sẽ tiết lộ một số nội dung phim nên bạn nhớ cân nhắc trước khi đọc tiếp.
1. Học sinh trung học ở Mỹ được phép lái xe hơi đến trường
Nhân vật chính Simon trong phim là học sinh năm cuối trung học, tương đương với khoảng 17 tuổi nhưng đã có thể tự lái xe hơi đến trường một cách hợp pháp. Mỗi bang ở Mỹ sẽ có quy định khác nhau về độ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng độ tuổi thấp nhất để có thể ngồi sau vô lăng ở Mỹ là… 14.
Tất nhiên với độ tuổi 14 chưa thật sự trưởng thành thì học sinh ở Mỹ không được cấp bằng lái chính thức như người lớn. Thay vào đó học sinh sẽ được đào tạo lái xe và cấp bằng lái dành riêng cho người còn đi học (learner’s permit). Bằng lái loại này sẽ có một số hạn chế nhất định như học sinh không được phép lái xe vào lúc tối khuya đến rạng sáng, giới hạn số lượng hành khách được ngồi trên xe và không được sử dụng điện thoại di động trong lúc lái xe để giảm thiểu mọi tai nạn có thể xảy ra.
2. Hình thức đi nhờ xe “carpool”
Theo dõi bộ phim bạn sẽ thấy mỗi buổi sáng đến trường Simon đều chạy xe hơi đến nhà của bạn mình để đón họ cùng nhau đến trường. Hình thức đi nhờ xe này ở Mỹ có tên gọi là carpool. Việc đi cùng nhau như thế này không những vui hơn mà còn đem đến nhiều lợi ích khác.
Trước hết carpool giúp hạn chế việc kẹt xe vì số lượng phương tiện lưu thông trên đường sẽ giảm bớt. Từ đó người lái xe cũng cảm thấy bớt căng thẳng hơn trong lúc lái xe và giảm khả năng gây ra tai nạn. Hình thức này cũng giúp mọi người tiết kiệm tiền xăng, phí cầu đường và cả thời gian tìm bãi đỗ xe. Việc nhiều người sử dụng một loại phương tiện còn góp phần giảm ô nhiễm không khí, đóng vai trò không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Vì những lợi ích mà hình thức carpool đem lại nên một số cung đường nhất định tại Mỹ chỉ cho phép những phương tiện chứa nhiều hành khách được lưu thông.
3. Không quen chủ nhà vẫn có thể dự tiệc
Bạn của Simon chỉ cần thông báo tối nay tổ chức tiệc Halloween tại nhà mình thì tối đó các bạn trong trường đều có thể đến tham dự mà không cần phải quen với chủ nhà hay chờ nhận thiệp mời. Ở Việt Nam nếu bạn không phải là người quen với chủ nhà mà đến dự tiệc thì sẽ bị cho là khiếm nhã nhưng điều này lại rất đỗi bình thường trong văn hóa học đường tại Mỹ.
Không những có thể tự do tham dự, những người dự tiệc tại nhà riêng ở Mỹ còn có thể ra vào bất kỳ phòng ốc nào trong nhà mà không ngại gia chủ phật ý. Họ thậm chí có thể uống rượu say, đùa giỡn với mọi người và ăn uống thoải mái. Tuy nhiên bạn nên lưu ý các thể loại tiệc được tổ chức tại nhà thường không hề được đăng ký với chính quyền nên cũng không có bất kỳ đội ngũ bảo vệ nào để đảm bảo an ninh. Nếu bạn có tham dự những buổi tiệc thế này thì đừng nên uống quá say để tránh gặp phải các tình huống nguy hiểm hoặc rắc rối không đáng có.
4. Thầy phó hiệu trưởng thân thiện như bạn bè
Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi thấy thầy phó hiệu trưởng trong phim “Love, Simon” đối xử với học sinh của mình thật thân thiện và dễ gần, khác hẳn với tác phong đạo mạo và nghiêm chỉnh của thầy cô giữ chức vụ quản lý tại Việt Nam. Đây chính là nét khác biệt rất đỗi thú vị giữa môi trường học đường ở Mỹ và Việt Nam.
Trong môi trường học đường ở Mỹ, những người giữ chức vụ quản lý thường sẽ cố gắng tiếp cận với cộng đồng học sinh của mình để hiểu rõ các bạn cần gì và muốn gì. Cách tốt nhất để các thầy cô có thể hiểu tâm tư của những cô cậu thiếu niên chính là đối xử với họ như những người bạn. Văn phòng hiệu trưởng/ phó hiệu trường tại các trường trung học Mỹ không phải là thánh địa bất khả xâm phạm mà là nơi để học sinh đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và khúc mắc của mình trong quá trình học tập. Không chỉ “Love, Simon” mới khắc họa nhân vật thầy phó hiệu trưởng hòa đồng mà các bộ phim học đường khác của Mỹ cũng thường xuyên có mô tuýp nhân vật này.
5. Trang phục và tóc tai tự do
Không giống như học sinh cấp ba ở Việt Nam phải mặc đồng phục đến trường, học sinh trung học tại Mỹ có thể thoải mái ăn vận bất kỳ trang phục nào mình muốn để đến trường. Tất nhiên không bạn học sinh nào được phép ăn mặc quá phản cảm để đến lớp nhưng quy định tự do về trang phục này giúp học sinh có nhiều điều kiện để thể hiện cá tính hơn.
Học sinh trung học tại Mỹ cũng được thoải mái để tóc theo kiểu mình muốn. Con trai có thể để tóc dài và con gái được quyền nhuộm tóc hoặc uốn xoăn mà không sợ bị ban giám hiệu nhắc nhớ. Đây chính là lý do vì sao môi trường học đường trong phim “Love, Simon” luôn ngập tràn sắc màu vì ai cũng được quyền thể hiện cá tính của bản thân thông qua vẻ bề ngoài.
6. Bóng bầu dục rất được yêu thích ở Mỹ
Phân cảnh mọi người đến xem bóng bầu dục trong phim “Love, Simon” là minh chứng cho việc bóng bầu dục là một trong những bộ môn thể thao rất được yêu thích ở Mỹ. Khi bạn nghe ai đó nói “football” ở Mỹ thì có nghĩa họ đang nói đến bóng bầu dục chứ không phải bóng đá.
Trong đời sống thường ngày thì chủ đề về bóng bầu dục cũng được người Mỹ thường xuyên đề cập để tán gẫu với nhau. Mỗi khi có giải đấu bóng bầu dục diễn ra thì người Mỹ cũng rất thích trực tiếp đến sân vận động xem hoặc theo dõi trực tiếp thông qua truyền hình tại nhà. Nếu sau này bạn có dự định du học Mỹ thì việc tìm hiểu về bóng bầu dục cũng là một cách để có thể dễ dàng hòa nhập với văn hóa của quốc gia này.
7. Câu lạc bộ văn nghệ là điều không thể thiếu
Việc nhân vật Simon tham gia vào câu lạc bộ kịch nghệ trong phim không phải là điều quá xa lạ vì trường trung học nào ở Mỹ cũng đều có câu lạc bộ kịch nghệ, tương tự như câu lạc bộ văn nghệ ở các trường cấp ba ở Việt Nam.
Các câu lạc bộ văn nghệ ở Mỹ thường trình diễn các tiết mục nhạc kịch vừa nói vừa hát. Mặc dù chỉ là câu lạc bộ cấp trường nhưng mọi khâu tổ chức đều được diễn ra chuyên nghiệp như có buổi thử vai, tập dượt, đầu tư trang thiết bị máy móc và mời mọi người đến tham dự. Nếu có cơ hội du học Mỹ bậc trung học thì bạn nên thử tham gia câu lạc bộ văn nghệ của trường để trải nghiệm cảm giác tỏa sáng trên sân khấu.
Nguồn: Sandla.Org – Tuệ Minh (sưu tầm theo Very Well Family)
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.