Đất nước phồn hoa tráng lệ được miêu tả dưới góc nhìn của cô gái Việt khi lần đầu đặt chân lên xứ sở cờ hoa với những trải nghiệm đầy quý giá và mới mẻ. Hãy cùng Sandla theo dõi câu chuyện nhé.
Có ai đó đã nói rằng cuộc đời là những chuyến đi. Có những chuyến đi chóng vánh nhưng ấn tượng để lại sâu đậm, có những chuyến đi dài đằng đẵng và đến cuối đoạn đường, ta cảm thấy giàu có hơn hẳn bởi những gì nhìn thấy và học được. Ta là
chính ta cộng những trải nghiệm khó quên. Thời gian học ở Mỹ là như thế với những cựu du học sinh chúng tôi.
Trước khi đặt chân lên xứ người…
Trước khi đặt chân lên xứ người, nước Mỹ trong trí óc tôi là đất nước rộng lớn, hiện đại với Nữ thần tự do, là California đầy nắng ấm, là những tòa nhà chọc trời, là Đại lộ danh vọng bóng loáng ở Hollywood. Hai năm trôi qua, không quá dài nhưng
đủ để nước Mỹ hiện ra trong mắt tôi thật hơn và đa dạng sắc màu hơn thế. Đó là một buổi sáng mùa xuân trên con phố Broadway. Trời xanh lam trong vắt. Nắng giòn tan. Dãy nhà gạch đỏ đặc trưng NYC rực lên rộn rã theo cái giòn tan ấy.
Taxi vàng bò trên đường cộng hưởng với cái nắng tươi nhìn như mấy viên nắng trên đường. Vui mắt đến lạ!
Đó là câu chuyện về anh chàng vẽ tranh cát ở Washington Square Park. Từ 11h sáng đến 4h chiều say sưa bò lôm côm trên nền đất, tay vẩy nhẹ bột cát vẽ nên những vệt màu hình thù thú vị, chẳng cần để tâm xem có ai cho đồng nào vào chiếc
xô nhựa con con ngay sát mép tranh. Hay cậu bé 5 tuổi chơi piano hay đến mê hoặc lòng người ở ga tàu điện ngầm phố 34th.
Một ngày đẹp trời
Đó là một ngày đẹp trời, đằng sau những cô gái chàng trai ăn mặc sành điệu, ta bất chợt nhận ra bóng dáng một cụ ông khả kính quần áo gọn gàng đang với tay vào sọt rác tìm chút thức ăn còn sót lại. Hay những đêm lạnh se sắt, hơi thở tượng hình
thành những làn hởi mỏng, bước đi trên vỉa hè, nếu không cẩn thận bạn có thể vấp phải một người vô gia cư đang ngủ say sưa giữa mớ chăn và bìa cạc tông.
Quên sao được lần đầu tiên được tận mắt thấy tuyết rơi, dần dần nhuộm cảnh vật thành một màu trắng giống trong truyện cổ tích, tận tay sờ vào bông tuyết đậu trên ve áo; và rồi kinh ngạc nhận ra tuyết dưới nền đường sau 1 ngày bẩn đến mức nào.
Quên sao được cảm giác choáng ngợp khi thấy dòng người tưởng như không bao giờ dứt trôi từ khắp mọi ngã đường ở Times Square. Và rồi thú vị phát hiện ra New York cũng có thể êm đềm đến thế khi đi dạo quanh hồ ở Công viên trung tâm hay dọc
bờ sông Đông.
Giáng sinh
Quên sao được một Giáng sinh có tuyết đúng kiểu. Mặt đất ướt, giày ướt, áo ướt, hồn người cũng ướt nốt. Bến tàu 116 vắng hơn mọi hôm dù chỉ mới 10h tối. BởiGiáng sinh và Lễ tạ ơn với người Mỹ là lễ của gia đình, kể ra cũng giống Tết của người Việt vậy.
Nhớ cái Tết xa nhà, tìm mua được một cái bánh chưng mà lòng mừng rơn. Nhớ niềm hạnh phúc dâng trào khi nghe được một câu tiếng Việt giữa biển người ngược xuôi.
Nhớ cơn buồn ngủ không sao chống cự được khi ngồi trong lớp học lúc 12h trưa vì ở Mỹ, không ai ngủ trưa. Nhớ như in những đêm thức trắng chạy deadline. Hai năm ở xứ lạ, tôi đã vỡ ra được nhiều điều.
Học mở lòng
Điều lớn nhất là phải mở lòng. Mở lòng để vượt qua những rào cản văn hóa, màu da, tập quán, chấp nhận những khác biệt mà hiểu nhau ở cái chân con người, trí tuệ, nhân cách và sự thật. Bài học lớn ấy đến từ khóa gateway ở Miami với 65 con người
đến từ hơn 25 quốc gia khác nhau, từ những chuyến subway dọc ngang New York chất chứa con người đến từ nhiều chủng tộc khác nhau, từ những buổi học trong lớp và cả những cuộc chuyện trò rất đỗi bình thường.
Nếu trước kia ai bảo ngồi cạnh một người da màu tóc bệnh tít cứng ngắt, chắc tôi e ngại lắm. Nhưng bây giờ tôi đã nhìn ra những nét chân chất và đầy nhân bản ở những con người được trời phú cho ngoại hình đặc biệt ấy. Nếu trước đây nhắc đến cách người Mỹ đi học, mọi người hay
bảo dân Mỹ lười lắm, nhưng trong lớp tôi thì các bạn ấy lại là những bạn chăm nhất và thảo luận bài sôi nổi nhất.
Bài học thứ hai
Bài học thứ hai là nếu điều tồi tệ có xảy đến thì không được bấn loạn. Dù có bị kẹt ở Miami một mình do bão trong khi trường học đã bắt đầu, dù cho tất cả các lớp đã kín mà chưa đăng ký được lớp nào, dù dường như mọi con đường đều dẫn đến ngõ
cụt thì vẫn có thể có con đường nhỏ nào đó mà mình vô tình bỏ qua trong lúc bấn loạn.
Bài học cho mình là phải giữ được bình tĩnh để gõ đúng cửa và đi đúng hướng. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc điều tôi học được ở thái độ làm việc chuyên nghiệp của các bạn Mỹ. Các bạn cùng lớp tôi, họ có thể để giấy trắng và nhận điểm F chứ nhất quyết không hỏi bài người khác. Họ có thể tranh luận quyết liệt về những bất đồng quan điểm trong giờ thảo luận trên lớp nhưng vẫn trò chuyện thân mật cùng nhau khi giờ học kết thúc.
Khác với cái tôi cũ
Nếu bạn hỏi tôi có thay đổi không sau hai năm học ở xứ cờ hoa, tôi xin nhận rằng tôi khác xưa nhiều lắm. Nhưng tựu trung, tôi vẫn là chính tôi cộng thêm một cái nhìnrất khác về cuộc sống và mọi thứ. Tôi thấy mình giàu có hơn bởi những trải nghiệm ở đó và tôi đang cố gắng hằng ngày để các bạn sinh viên trường ngoại ngữ cũng được giàu có như thế. Rồi các bạn sẽ có chuyến phiêu lưu riêng của mình với những trải nghiệm rất khác. Cuộc đời vốn dĩ là những chuyến đi mà…
–Các bạn hãy theo dõi Thư viện học bổng và cơ hội nước ngoài của Sandla ở đây để cập nhật sớm nhất những cơ hội hay cho mình nhé–
Nguồn: Sandla.org – Vũ Thị Châu Sa, 11/2015
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.