“Kết hôn và sinh con trước 30 tuổi, yêu nhiều để trải nghiệm ở những năm 20, có công việc ổn định và mua nhà mua xe trước năm 40 tuổi, đến tầm 50 – 60 thì con cái phải thành đạt, phải dựng vợ gả chồng cho con rồi sau thì đợi bế cháu. Những deadline như thế tồn tại ở nhiều nơi, ngay cả ở những nước phát triển và đa phần là các nước châu á. Lúc ở Việt Nam tôi cứ nghĩ những tiêu chuẩn đó là hiển nhiên và ai cũng phải theo những tiêu chuẩn đó thì mới là bình thường.” Cùng Sandla cùng đọc bài viết thú vị này từ tác giả Bùi Hồng Bội Bội nhé!
Sẽ ra sao nếu mọi người ai cũng giống nhau?
Tôi đến Hàn Quốc vào cuối năm 2015 và ở lại cho đến nay đã là năm thứ 7. Sau ngần ấy thời gian tôi dần nhận ra sự thiển cận của bản thân khi đặt ra những deadline vô lý cho cuộc đời và ảnh hưởng của nó lên xã hội khi mà tất cả mọi người đều tin và làm theo chúng. Ở một xã hội mà hầu như tất cả mọi người đều sống theo một tiêu chuẩn nào đó thì năm 18 tuổi bạn phải đậu đại học một ngành hot ở một trường đại học danh tiếng, trong lúc học đại học bạn phải gap year để đi học ngoại ngữ ở nước khác, bạn phải đi du lịch nhiều nước thì mới được xem là có hiểu biết, những năm 20 bạn phải yêu đương, trước 30 bạn phải làm ở một công ty lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước, rồi bạn phải kết hôn, mua nhà, sinh con. Tiếp theo, sau khi con lớn thì con bạn cũng sẽ lặp lại vòng lặp cuộc đời y như bạn, sau khi dựng vợ gả chồng cho con thì bạn sống hết quãng đời còn lại trong cô độc(còn một số vấn đề về việc con cái phụng dưỡng cha mẹ ở Hàn nhưng mình sẽ không đề cập ở đây). Vậy là hết một cuộc đời vô cùng nhàm chán. Vấn đề là thế hệ nào cũng có rất rất nhiều người sống theo “con đường mòn” này, nếu như không muốn nói là hầu hết mọi người sống như thế. Ở đây, nếu bạn không đi theo số đông thì bạn là kẻ lạc loài, lập dị.
Đó là thực tế mà tôi thấy khi sống ở đất nước này và nó làm tôi trăn trở rất nhiều về những deadline mà tôi đặt ra cho đời mình. Tôi tự hỏi:
“Liệu mình có cần nhiều deadline như thế để sống một cuộc đời được “sản xuất hàng loạt” như một con gà công nghiệp hay không?”
Kinh nghiệm chọn học bổng phù hợp trong tình hình covid hiện nay
Chúng ta không cần deadline của người khác cho đời mình
Tôi đã từng rất sợ hãi vì mình chậm hơn bạn bè rất nhiều khi học đại học trễ hơn các bạn đồng trang lứa tận 3 năm. Năm 21 tuổi tôi mới là sinh viên năm nhất trong khi các bạn đều đã chuẩn bị đi thực tập hoặc chuẩn bị để tốt nghiệp. Tới năm 24 tuổi, các bạn đã đi làm vài năm thì tôi mới có công việc đầu tiên, khi mọi người đã hoặc đang yêu đương ít nhất là một lần thì tôi vẫn một thân một mình. Tôi đã sợ mình thua kém bạn bè, sợ mình bị bỏ lại phía sau phía sau. Sau nhiều nỗ lực để tốt nghiệp sớm, tìm việc, tìm bạn trai… để hoàn thành deadline cuộc đời, để chạy theo mọi người thì tôi chợt nhận ra chúng tôi không đi trên cùng một con đường hay thậm chí còn đang đi ngược hướng với nhau.
Tôi nhận thấy việc chạy theo những deadline cuộc đời một cách vô tri chỉ đang lãng phí thời gian, lãng phí hiện tại và lãng phí sự sống của bản thân khi mà tôi chẳng nhớ nổi những ký ức vui vẻ trong vài năm vừa qua. Những lần tôi thật sự dành thời gian cho bản thân và gia đình có thể đếm được trên mười đầu ngón tay. Tôi chẳng biết mình có sống không hay chỉ đang tồn tại. Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi không kỳ vọng vào tương lại nữa, tôi cũng không thấy cuộc sống thú vị chút nào.
Khoảng thời gian qua dạy tôi một bài học đắt giá mà có lẽ nó sẽ trở thành một trong những nguyên tắc sống của tôi từ giờ cho đến ngày tôi không còn sống nữa, “đừng chạy theo deadline của người khác mà hãy sống cuộc đời của mình theo cách mà mình muốn”. Tôi có thể vào đại học năm 21 tuổi, tôi có thể tìm thấy ước mơ năm 30, tôi có thể không có nhà hay xe nhưng tôi chu du khắp thế giới, tôi có thể đổi nghề năm 40, tôi vẫn có thể miệt mài theo đuổi ước mơ vào năm 50, 60 tuổi… Chỉ nghĩ thôi là đã thấy “hừng hực” nhiệt huyết rồi. Tôi có thể sống một cuộc đời thú vị như thế, sống một cuộc đời không hối tiếc để bản thân không phải nói hai từ “giá như”.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi không cần deadline cho đời mình. Tôi cũng cần những deadline mà bản thân tự đặt ra và phù hợp với hoàn cảnh, năng lực của bản thân. Deadline là một thứ mà ai cũng sợ nhưng cũng nhờ có deadline mà ta hoàn thành được những mục tiêu đã đặt ra. Deadline là áp lực nhưng cũng là động lực.
Đặt mục tiêu chứ không định ra con đường
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là ngừng so sánh bản thân với người khác và bình tĩnh sống cuộc đời mình. Việc so sánh đôi khi có thể kéo bạn đi nhanh hơn, xa hơn mức mà bạn kỳ vọng nhưng là đi lệch hướng. So sánh với người khác chỉ làm bạn khao khát được vượt qua ai đó và để vượt qua họ thì bạn không còn cách nào khác ngoài đi trên con đường mà họ đang đi ngay cả khi bạn không phù hợp với con đường ấy. Càng đi xa thì đường quay lại càng khó khăn, kết quả là bạn lạc đường rồi lạc mất luôn cả bản thân mình. Hãy ngừng so sánh với người khác và tự vấn bản thân về con đường mình muốn đi, cuộc đời mình muốn sống. Ta phải xác định đúng phương hướng trước khi xuất phát thì mới đến đúng nơi được.
Sau khi biết mình muốn gì, mình cần gì thì bạn có thể xác định mục tiêu và lên kế hoạch để đạt được điều bạn muốn rồi. Bạn nên chú ý lập kế hoạch thực tế, không quá khó để bản thân có thể đạt được và cũng đừng quá dễ để nâng cao năng lực cũng như là giới hạn của bản thân. Đến bước này, nếu bạn thích an toàn thì cứ chiếu theo kế hoạch mà tiến tới thôi. Nhưng nếu bạn muốn khám khá và thích liều lĩnh một chút thì cứ làm theo kế hoạch nhưng khi có cơ hội khác không nằm trong kế hoạch thì hãy cứ bắt lấy. Những cơ hội xuất hiện bất chợt trên đường đi này có thể sẽ dẫn bạn đi một con đường vòng, bạn sẽ mất chút thời gian nhưng bạn sẽ không biết được mình gặt hái được gì trên đường đi đâu. Và đảm bảo con đường vòng này sẽ vô cùng thú vị đấy.
Sau bao nhiêu lần thử – sai, tôi chợt nhận ra kế hoạch chỉ là một thứ tương đối để biết bản thân đang làm gì và sắp làm gì thôi. Kế hoạch được tạo ra là để phá vỡ, ít nhất với tôi là vậy. Chưa lần nào tôi theo đúng kế hoạch nhưng lần nào tôi cũng đến đúng nơi mình cần. Dù hơi lòng vòng một chút, mất thêm chút thời gian nhưng bù lại tôi có những “chuyến đi rất thú vị”, có những bài học mà tôi tin sẽ góp phần tạo nên một bản thân tốt hơn. Nhiều khi tôi thấy mình may mắn khi đi “lòng vòng” hay “lạc đường” một chút vì nếu như cứ đi theo đúng kế hoạch đã định thì đời tôi chắc là nhàm chán lắm và tôi sẽ cứ ngồi trong “cái giếng” của mình mà nhìn đời.
Nguồn: Sandla.org (sưu tầm từ tác giả Bùi Hồng Bội Bội)
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.