Từ tấm bằng Harvard đến ca khúc ‘Việt Nam ơi!’

tu-tam-bang-harvard-den-ca-khuc-viet-nam-oi

Tác giả ca khúc trên là gương mặt 8X Bùi Quang Minh – thạc sĩ về kinh doanh từ ĐH Harvard. Anh từng nhận học bổng toàn phần và tốt nghiệp loại ưu hệ cử nhân tại Đại học Sydney (Úc), thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Harvard (Mỹ), từng khởi nghiệp thành công một chuỗi cà phê bánh ngọt trước khi sáng lập cụm rạp chiếu phim và khu vui chơi ẩm thực Beta Cineplex.

Chia sẻ về sự ra đời của ca khúc 

Năm 2011, khi được nhận học bổng toàn phần vào Trường Harvard và qua Mỹ, tâm trạng tôi ngổn ngang, tự hỏi liệu sau khi từ ngôi trường danh tiếng đó bước ra, có nhiều cơ hội quá thì liệu sẽ quyết định ở lại Mỹ luôn hay không? Lúc câu hỏi đó xoáy sâu và cảm xúc dâng lên, tôi quyết định ngồi xuống nhớ lại những kỷ niệm đẹp nhất với quê hương, cũng như một lời tri ân với nơi chôn nhau cắt rốn.Tôi viết bài hát rất nhanh, chỉ đúng 30 phút. Ca từ và giai điệu tuôn ra một cách rất tự nhiên.

* Xuất thân là dân chuyên toán, vì sao anh lại có thể viết được những giai điệu và ca từ đẹp, đầy sức sống như vậy?

– Người học chuyên toán tư duy logic, nhạy bén trong việc muốn tìm hiểu, phát triển điều gì đó. Họ thích tự mày mò để đạt được mục tiêu đề ra. Việc tôi, viết bài hát trên cũng tương tự. Thời điểm đó tôi chẳng biết nhạc lý gì đâu, phải “mò mẫm” khá nhiều, nhưng tôi tỉnh táo, xác định sẽ phải viết một bài hát thật hay và ý nghĩa về Việt Nam. 

Đề bài gồm: Phải mới mẻ, trẻ trung, tươi sáng, phải có phong cách và điểm nhấn giống những bài hát “hit” thời điểm đó. Và hệt như làm một bài toán, tôi phải đi tìm câu trả lời tốt nhất cho “đề bài” đó.

Sau đó tôi lên mạng Google với những từ khóa như “để có bài hát bắt tai”, “những nguyên tắc, luật lệ trong viết nhạc”, “cách tiếp cận việc viết bài hát”… Tôi cũng học hỏi nhiều từ những người đi trước trong nước lẫn trên thế giới.

Cô gái Hồng Phúc và hành trình giúp đỡ hàng nghìn người giúp việc nhập cư trên đất Hồng Kông

* Là dân khối tự nhiên, anh đã “chinh phục” môn ngoại ngữ như thế nào để “sống sót” ở những ngôi trường hàng đầu?

– Ba năm THPT ở Việt Nam, tôi không học nhiều tiếng Anh vì dồn sức học toán. Nhưng khi được học bổng toàn phần Úc (bên Úc không xét điều kiện tiếng Anh đầu vào mà xét điểm số, hoạt động cộng đồng…) thì tôi buộc phải có điểm IELTS 6.5 để được học. 

Khi đi thi, tôi chỉ đạt 4.5/9.0, dĩ nhiên là tôi buồn và đặt mục tiêu trong chín tháng phải đạt 6.5. Tôi nghĩ sự quyết tâm và cái tính hiếu thắng, luôn tỉnh táo xác lập mục tiêu cụ thể của người học toán đã giúp tôi làm được điều trên. Tôi nhớ trong chín tháng đó, tôi học đêm học ngày để cuối cùng đạt được 6.5. Con số không quá cao so với nhiều người, nhưng tôi khá vui vì công sức, nỗ lực đã được đền đáp.

Giới hạn lãnh thổ không phải là vấn đề

* Là gương mặt khởi nghiệp có tiếng với những thương vụ được định giá hàng chục triệu USD, trông anh không cuống cuồng công việc mà luôn rất trẻ trung, lạc quan trong đời thường?

– Hiện tại tôi có chuỗi rạp chiếu phim. Tôi nghĩ trong cuộc sống hay kinh doanh, việc tổ chức khoa học các đội ngũ kế cận là điều rất quan trọng. Nếu không có sự tin tưởng, hỗ trợ từ nhân viên thì chúng ta rất dễ bị quá tải.

Giai đoạn gần đây, công việc chính của tôi chỉ là đi gọi vốn và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ những năm tiếp theo, nên có thể nói tôi có khá nhiều thời gian rỗi hơn trước đó.

Bên cạnh kết quả kinh doanh, việc có những bạn nhân viên cứng cáp và đáng tin cậy cũng là một niềm tự hào của tôi.

Còn việc nhất định phải làm mỗi ngày? Đó là tập gym, đọc sách để rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần.

Mình Nói Gì Với Bạn Về Cuộc Sống Xa Nhà ?

* Quyết định trở về nước của anh có khó khăn?

– Thật ra cũng không quá khó. Vì nếu ở Mỹ, có thể tôi chỉ là một nhân viên văn phòng trong một guồng máy nào đó, vì người nước ngoài chúng ta không có nhiều lợi thế cạnh tranh: không có mối quan hệ, ngôn ngữ không thể nào lưu loát y như người bản địa dù có tốt nghiệp từ ngôi trường hàng đầu… Chưa kể sâu thẳm trong tôi là ước mơ khởi nghiệp, được về quê hương đóng góp.

Và khởi nghiệp ở Việt Nam dĩ nhiên sẽ có lợi thế hơn nhiều, vì mình sinh ra và lớn lên ở đây nên dĩ nhiên hiểu nó, chưa kể nguyện vọng đem những giá trị tích cực của mình cho những cộng đồng. Năng lượng đó sẽ rất khó có nếu ở nước ngoài. Giới hạn lãnh thổ hiện không quan trọng nữa nếu muốn tạo giá trị.

Nguồn: Tuổi trẻ.vn

 

 


Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.