Series bài viết về kinh nghiệm cá nhân trong du học & chương trình quốc tế. Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân về việc săn học bổng du học và đề xuất các chương trình thay thế.
Bữa trước tôi có đọc bài báo về một hiện tượng khi mình thấy người ta ngáp, mình cũng dễ bị ảnh hưởng và cảm thấy buồn ngủ theo, tôi ngày càng thấy người ta đi du học như bị lây một cơn ngáp vậy, cứ rủ nhau mà đi, không cần biết mục đích là gì, tương lai ra sao.
Đặc biệt, chuyện này được tiếp tay từ nhiều trung tâm, mạng xã hội bởi những câu chuyện màu hồng đằng sau cánh cửa, hoặc những câu chuyện bi đát thì cũng chỉ dừng ở bước cực khổ (mà rất nhiều người đều tin vào khả năng chịu khổ của mình, tin rằng mình chỉ hơi lười chút thôi, chứ thật ra nếu bị đẩy vào đường cùng, cực khổ thế nào mình cũng chịu được) mà còn quên rằng cái chi phí cơ hội để phải đánh đổi lấy nó và cả tương lai có thể bấp bênh sau đó.
Đối với săn học bổng du học, tôi thuộc dạng không kêu gào ủng hộ nhưng cũng không bi quan ngăn cản. Nếu bạn có được một suất du học toàn phần bất kì và có thời gian dư dả, thì thôi cứ đi cũng được, nếu quá tệ thì cũng coi như đi …trao đổi văn hóa. Còn nếu bạn đã nghĩ bạn phải đánh đổi cái gì đó (tiền bạc, thời gian, công sức, việc làm, gia đình hay thậm chí là.. người yêu) thì tôi mong bạn hãy suy nghĩ kĩ về “chi phí cơ hội này” để đổi lấy việc đi du học: Thật sự, mình có cần du học không ?
Tôi biết nhiều bạn vì cảm giác ngột ngạt với cuộc sống hiện tại, và lấy việc du học như việc bỏ chạy, và kì vọng cuộc sống mới, tốt xấu gì cũng được, chỉ cần ở đó không ai biết mình là được rồi.
Có nhiều bạn khác, đến với du học, như tiếp nhận một cơn ngáp dễ lây, thấy ai cũng ra nước ngoài, mình cũng phải được như vậy.
Những sự lựa chọn ngoài du học
Nếu vậy, tôi nghĩ ngoài du học, các bạn có khi còn nhiều sự lựa chọn khác.
Series tôi viết, với 6 bước theo đúng trình tự, tôi mong muốn các bạn có thể từ các bước này, đi ra khỏi đám mây mù mờ của du học và xác định con đường cho chính bản thân.
“Test thử mình cần du học không ?” và “Thước đo 8 yếu tố” để tự đánh giá khả năng bản thân.
Đầu tiên, để thử độ cần của mình với săn học bổng du học, đảm bảo động lực mình đi du học không phải bị nhầm lẫm với những cái khác “hao hao du học”. Đơn giản, bạn chỉ cần ngồi xuống và viết ra “Mục đích đi du học của tôi là “..” và đối chiếu với các ý dưới đây.
Các yếu tố mà bạn phải lưu ý
Thứ nhất, nếu như bạn đi học vì kiến thức, thế giới ngày nay đã quá hiện đại, bạn không cần phải cứ ra nước ngoài thì bạn mới học được các chương trình tiên tiến. Các trang web học được gọi là MOOC đang rất phổ biến (các khóa học trực tuyến ), bạn chỉ cần cái máy tính thì ngồi trong toalet bạn vẫn gặp được giáo sư từ Havard. Về cái này, tôi đã từng đề cập đến, nếu không rõ thì hãy thử bắt đầu trước với edx.org và coursera.org, có vô vàn khóa hoàn toàn miễn phí và bạn có thể trả phí để lấy chứng nhận sau khóa học.
Thứ hai, nếu như bạn đi học vì để trải nghiệm văn hóa, được đi ra nước ngoài một lần, thì tôi nghĩ, trừ khi trái đất chưa vừa lòng bạn, chứ không có chương trình gì, đất nước nào mà tôi chưa đem về. Từ khóa học ngắn, đến hội nghị, cuộc thi, tình nguyện; từ châu Á đến qua châu Âu, Mỹ, Phi.. (tôi nghĩ nếu Bắc cực hay Nam cực có mở thì cũng ráng đem về..) Thay vì tốn một đống thời gian công sức chờ đợi cho du học thì tại sao bạn không thử sức một lần cho các chương trình này? Đừng nghĩ các chương trình này là khó, vì nhiều chương trình điều kiện không khắt khe, số lượng tuyển thì đông như quân Nguyên, vấn đề là bạn có chịu viết đơn và nộp không.
Khi làm đơn đừng nghĩ nhiều, đậu thì tốt, không đậu cứ xem như là đang tập viết Writing tiếng Anh để học lấy bằng sau này mà thôi. Còn nếu chê mấy chương trình này ngắn, bạn hãy thử chương trình“Work and Travel”, hiện giờ nổi vẫn có Mỹ, Newzealand, hay Úc (nếu hứng thú, hãy cho tôi biết, tôi sẽ viết riêng bài về chủ đề này).
Hoặc đơn giản hơn, thay vì tốn tiền cho trà sữa, hay tình phí cho một cô nàng, anh chàng ất ơ nào đấy thì cứ thử tiết kiệm một lần, bỏ ống heo xuất ngoại, để biết cảm giác nó như thế nào, để thích thì quá tốt, ta có thêm động lực mà phấn đấu, nếu không thì cũng biết trước mà học cách cải thiện. Tốn tầm 6tr là đã được một chuyến đi qua mấy nước Đông Nam Á, muốn rẻ hơn thì xin tham khảo bài cũng đã được đề cập đến http://bit.ly/2rcKVz0
Thứ ba, nếu như bạn muốn thử làm việc ở nước ngoài một lần ? Ở Việt Nam có kiếm được việc làm ở nước ngoài không ? Có nhé, có rất nhiều và kể cả các chương trình xin định cư nước ngoài, ví như các bạn có thể thấy chương trình định cư của Canada dành cho diện tay nghề đang rần rần khắp nơi (xin phép bàn trong một bài khác vì tôi nghĩ thế nào cũng viết kín hết mấy trang), nhưng trước hết hãy thử gởi đơn cho các chương trình thực tập ở nước ngoài mà cái page này share xem sao.
Nếu như những ý kiến trên vẫn không phù hợp với bạn, bạn vẫn tin rằng chân lý của mình là đi du học, thì hãy bắt đầu tự hỏi: Có phải mình ra đi là vì tấm bằng ? Một tấm thẻ xanh ? Đối với tôi, những lý do này chẳng có gì xấu, nhưng tôi mong bạn hãy nghiêm túc, suy nghĩ về vấn đề này để bản thân bạn có kế hoạch rõ ràng hơn. Nếu là tấm bằng thì không thể suy nghĩ mấy chuyện đi làm hết ngày này đến ngày khác, cuối cùng bằng đâu không thấy, mà thương tích đầy mình, tương lai chẳng theo đuổi những gì mình mong muốn.
Nếu là định cư bạn phải tính chính sách của từng tỉnh, từng quốc gia, nơi bạn đi đến có dễ kiếm việc không, thời gian ở lại sau du học là được bao lâu, ngành nghề nào phù hợp với mình để kiếm việc ở lại, đừng bạ đâu ở đấy nữa nhé.
Sau khi bạn đã thử đánh giá về mục đích và thử hết các thử ở phía trên rồi mà vẫn kiên định du học, thì thật tuyệt vời, nào bây giờ hãy tự đánh giá về năng lực bản thân mình trên thước đo 8 yếu tố cơ bản:
– Điểm trung bình học hay còn gọi là GPA: Ngoài điểm tổng kết chung, điểm cho chuyên ngành và ranking trong lớp, ngành cũng là điều phải chú ý đến.
– Các bằng cấp chứng chỉ GMAT, GRE: Là chứng chỉ có thể đánh giá năng lực của bạn theo chuẩn quốc tế. Hãy kiểm tra trường ngành có yêu cầu không vì một số nước các bằng cấp này là bắt buộc. Tôi chưa học cái này bao giờ, nhưng đứa em tôi có nói, học IELTS tốn sức 10 thì cái này phải là 100, càng cực cho bạn nào kém tiếng Anh.
– Thành tích về nghiên cứu: Bài nghiên cứu khoa học, publication, cái này đánh giá trên cấp độ (trường, nước, quốc tế), số lượng bài, lĩnh vực và vai trò đóng góp trong công trình nghiên cứu đó. Nhóm ba yếu tố đầu tiên này thể hiện khả năng học thuật của bạn.
– Kinh nghiệm làm việc: Không phải chỉ đơn giản là làm 5 hay 10 năm, mà bạn còn phải quan tâm vị trí của bạn trong công ty, loại hình và lĩnh vực công ty của bạn là như thế nào: tư nhân/nhà nước/ nước ngoài… Tôi ví dụ như các học bổng chính phủ thường ưu tiên khối nhà nước, hay các lĩnh vực về giáo dục, xã hội.
– Điểm ngoại ngữ (IELTS, TOEFL), các bằng ngoại ngữ khác (chọn học thêm một ngoại ngữ có lợi khi nó có liên quan gì đó đến với ngành, nghề, nước mà bạn nhắm đến).
– Các hoạt động ngoại khóa: Lĩnh vực, vai trò của bạn như thế nào trong hoạt động này
– Hoàn cảnh gia đình, địa phương nơi sinh sống: Có những học bổng ưu tiên cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, địa phương vùng xa xôi, người dân tộc thiểu số chẳng hạn.
– Chất lượng của những đề tài theo đuổi, luận văn và thư giới thiệu
Thật ra, bạn có săn học bổng du học được hay không ?
Nếu nhìn các chỉ số này, rõ ràng các bạn có thể thấy, là dù thời điểm nào trong cuộc đời, bạn đều có thể xin học bổng được. Nếu bạn yếu GPA thì ráng đi làm kéo lại, bạn chưa kịp đi làm thì lo học rồi lấy nghiên cứu hay GMAT bù vào. Hầu như không có yếu tố ngăn cản bạn lấy học bổng, nếu đúng như bạn nói là bạn nghiêm túc thật sự với dự định du học của mình. Dĩ nhiên đối với từng loại học bổng, lại có yêu cầu khác nhau về từng thước đo này, tôi sẽ trình bày trong bước tiếp theo là “Nhóm học bổng nào phù hợp với bạn ?”.
Thế đấy, học bổng, hoặc giỏi, hoặc kiên nhẫn, mà chính xác là cần cả hai. Vì vậy, từ nay tôi hy vọng các bạn sẽ ngừng hỏi câu hỏi “Em thế này em có thể xin học bổng được không”. Câu trả lời “Được hay không” phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyết tâm của bạn, chứ không phải hồ sơ đã lỡ có của bạn.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với bạn suy nghĩ của tôi “Du học chỉ là một công cụ, một trạm dừng để chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp hơn, đừng lao vào và biến nó thành đích đến cuối cùng của cuộc đời”. Chúng ta, dù làm gì, rồi cũng chỉ muốn, mỗi ngày thức giấc, cảm thấy an yên, hạnh phúc, ý nghĩa ? Đây mới thật là cái đích mà chúng ta nên hướng đến phải không ?
(Bài viết dành riêng cho page Scholarships and Life Abroad)
Về Phạm Hoàng Diễm và Sandla
Nguồn: Fb Phạm Hoàng Diễm (pham.hoangdiem)
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.