Dịch bệnh ngày càng căng thẳng, một số du học sinh Việt Nam không thể về nhà cùng gia đình mà phải ở lại xứ người để chống dịch. Vậy các bạn ấy trải qua “kỳ nghỉ dài” này như thế nào? Cùng Sandla tìm hiểu nhé!
Sandla: Thành phố bạn đang sống có cách phòng dịch như thế nào?
Vũ Đức Trung (Hà Lan): Ban đầu đa phần các nước ở châu Âu không chú trọng nhiều ở việc phòng chống dịch. Tuy nhiên khi dịch bùng phát tại Ý thì Hà Lan mới bắt đầu có những động thái mạnh mẽ bắt đầu bắt buộc người dân ở nhà, giữ khoảng cách 1,5m và đóng cửa các trường học. Mình hơi buồn vì Hà Lan thực hiện biện pháp phòng tránh khá trễ so với các nước như Đức, Pháp, Na Uy.
Đoàn Minh Phát (Phần Lan): Không như Việt Nam, ở đây mọi người ban đầu xem dịch Covid-19 như một loại cảm cúm bình thường. Tuy các trường học đóng cửa nhưng mọi hoạt động khác diễn ra bình thường. Nhưng đến khi dịch bệnh thật sự đáng lo ngại với các nước châu Âu, chính phủ Phần Lan đã thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt hơn để phòng chống dịch.
Phan Xuân Lộc (Mỹ): Ở bang California của mình có sắc lệnh hạn chế ra đường đặc biệt sau 9h tối. Sau giờ này cảnh sát có thể kiểm tra lý do ra đường của bạn. Nếu không có lý do chính đáng bạn có thể bị phạt từ 300-500$ tùy mức độ vi phạm.
Sandla: Thái độ của người dân tại đất nước bạn đang sống?
Nguyễn Thị Xuân Lộc (Úc): Ban đầu mọi người khá thờ ơ và đặc biệt những người trẻ, họ nghĩ mình có sức đề kháng mạnh nên không lo sợ. Tại thời điểm ca nhiễm bệnh ở Úc tăng đột biến theo từng ngày, mọi người có ý thức hơn. Các bar pub đóng cửa và người dân hạn chế ra đường.
Vũ Đức Trung (Hà Lan): Thật sự ban đầu người Hà Lan rất chủ quan. Mình có hỏi bạn thân của mình – là một anh chàng Hà Lan về chỗ mua khẩu trang. Thế là bạn ấy gửi một bài báo cho mình với chủ đề “Corona Virus không đáng sợ như vậy và đừng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn”. Thật ra ở đây người dân sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn chủ nghĩa cộng đồng. Cho nên việc phòng chống toàn xã hội ban đầu chưa là điều mọi người quan tâm. Nhưng kể từ khi số ca dương tính lên đến hàng chục ngàn người thì mọi người bắt đầu lo sợ và cẩn thận hơn về dịch bệnh này.
Sandla: Cuộc sống của bạn trước và trong dịch thay đổi ra sao?
Đinh Gia Khánh (Canada): Trước dịch mình vừa đi học vừa đi làm Khi dịch xảy ra mình chỉ ở nhà học online và làm project cho những môn học của mình.
Đoàn Minh Phát (Phần Lan): Hiện tại mình vừa đi học vừa đi làm nhưng cả trường học lẫn công ty đều đóng cửa nên mình đành ở nhà đóng vai người thất nghiệp (cười). Ăn uống và đi lại ở Phần hơi khó khăn. Nguồn cung cấp lương thực chỉ có vào ngày thứ 6, nên mình phải sắp xếp thời gian đi mua hợp lý.
Phan Xuân Lộc (Mỹ): Mình thường đi học và chơi thể thao ở ngoài trước khi dịch xảy ra. Giờ dịch bùng phát mình phải học online và không thể vận động ngoài trời nữa. Học online thì có những điều cũng thú vị đấy nhưng mình thích đến trường hơn.
Sandla: Bạn có dự định nào bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh không?
Vũ Đức Trung (Hà Lan): Mình chỉ có dự định đi Paris du ngoạn nhưng dịch vậy đành ở nhà thôi. Ngoài ra công ty mình có cử mình đi đào tạo chuyên sâu về ngành nhưng cuộc training đấy đành phải đợi tình hình dịch bệnh ổn hơn mới diễn ra được. Thú thật thứ mình ảnh hưởng nhất là tâm lý khi các biện pháp phòng tránh của chính phủ vẫn chưa chặt chẽ và thái độ của người dân khá thờ ơ. Nhưng đấy là thời điểm ban đầu. Bây giờ mọi thứ dường như đã nghiêm ngặt hơn bởi vì bạn thấy đấy, Hà Lan đã có hơn 66 ngàn ca nhiễm rồi còn gì.
Đoàn Minh Phát (Phần Lan): Hiện mình đang hoàn thành năm cuối bậc Đại học nên dự tính nộp hồ sơ xin học bổng Thạc sĩ để học tiếp. Tình hình dịch bệnh như vậy các trường đa phần đóng cửa khiến mình rất lo lắng về điều này. Hơn nữa, công ty mình làm cũng vì dịch mà cắt giảm lương và nhân viên. Các công ty khác thì không tuyển người mới. Mình không biết thời gian sắp tới sẽ diễn ra như thế nào nữa.
Nguyễn Thị Xuân Lộc (Úc): Mình đang là học sinh đã tốt nghiệp Đại học và tìm một công việc full-time về ngành mình đang học. Dịch bệnh ở Úc hiện rất nguy hiểm và mình đang đợi dịch qua đi để mau chóng bước tiếp trên hành trình tìm kiếm và có một công việc ổn định.
Sandla: Bạn có muốn về Việt Nam ngay lúc này không?
Vũ Đức Trung (Hà Lan): Muốn chứ, rất muốn luôn bởi vì đây là quê hương mình mà. Mình rất tự hào khi đọc những bài báo về thành quả chống dịch của Việt Nam. Nhưng dù sao mình nghĩ mình nên ở đây bởi vì khi di chuyển bằng máy bay tàu xe cũng rất nguy hiểm. Và ngoài ra mình còn công việc ở đây nữa. Nhưng thật tâm, mình cực kỳ muốn về với gia đình và anh chị em mình ở Việt Nam ngay lúc này.
Sandla: Cuối cùng, lời nhắn của bạn đến Việt Nam là…
Nguyễn Thị Xuân Lộc (Úc): Mình chúc các bạn có giữ sức khỏe tốt và nhớ rửa tay thường xuyên. Mình mong dịch sẽ qua nhanh để chúng ta trở lại cuộc sống thường niên vui vẻ.
Đinh Gia Khánh (Canada): Mình muốn gửi lời nhắn đến các bạn và người thân của mình là giữ sức khỏe, hạn chế ra đường và không để cho virus xâm nhập vào cơ thể.
Phan Xuân Lộc (Mỹ): Mình thấy Việt Nam tổ chức phòng chống dịch bệnh rất tốt. Mình mong dịch bệnh mau qua đi và đừng quên rửa tay nhé. Hãy giữ vệ sinh an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội nghen
Nguồn: Sandla
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.