Sandla tình cờ đọc được bài viết về văn hóa nhắn tin của chị Chi Nguyễn, founder The Present Writer, bọn mình thấy khá đánh trúng thực trạng hiện nay nên muốn share để mọi người cùng tham khảo nhé!
1. Đừng bao giờ gửi những tin nhắn không có nội dung cụ thể
Ví dụ: “Hi anh”, “Chị rảnh chat (nhắn tin) với em được không?”, “Em hỏi chút được không?”…Những người bạn muốn hỏi ý kiến/xin trợ giúp thường rất bận rộn, họ không dán mắt vào điện thoại cả ngày để kiểm tra tin nhắn hoặc nhắn tin với người lạ.
Vì vậy, bạn có câu hỏi nào thì nên vào đề ngay và nói cụ thể: “Chào anh/chị. Em là… Em biết anh/chị từ… Em có câu hỏi như sau mong anh/chị giúp trả lời…”.
Ngay cả khi bạn không có câu hỏi mà chỉ muốn tâm sự cá nhân. Bạn cũng nên viết hết ra, thay vì đợi phản hồi để nhắn tin qua lại như khi chat với bạn bè thông thường. Câu chuyện quá dài thì bạn có thể email thay vì nhắn tin.
Những lý do bạn không nên đi du học và những thay đổi sau khi đi?
2. Đừng nhắn tin với teencode, từ viết tắt, ký tự khó hiểu
Đã bao nhiêu lần mình mở tin nhắn ra và không thể dịch nổi bạn viết gì vì quá nhiều teencode. Viết như vậy không chỉ gây khó hiểu mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đọc.
Mình có thể hơi bảo thủ trong vấn đề này một chút vì mình là người viết. Nhưng sự thật là không ai muốn trả lời một tin nhắn mà họ đọc không hiểu gì.
3. Tìm hiểu kỹ trước khi hỏi
Trước khi nhắn hỏi ai điều gì, bạn nên làm một vài cú search nhanh xem họ đã nói về chủ đề này ở đâu chưa, mình có thể tự tìm thông tin ở đâu thay vì hỏi hay không… Bản thân mình làm nhiều nội dung ở nhiều nền tảng và mình cũng làm khá lâu rồi nên mình hiểu tìm kiếm thông tin tổng hợp không phải là dễ.
Tuy nhiên, nếu mình mới đăng một video chia sẻ cách viết tiếng Anh hôm qua mà hôm nay bạn nhắn hỏi mình nội dung y hệt: “Chị chỉ em cách viết tiếng Anh tốt đi ạ” thì rất tiếc, mình không thể trả lời bạn.
Nhưng mình đánh giá cao và rất thích trả lời những bạn những bạn đã nhắn tin như: “Em đã đọc bài của chị về chủ đề XYZ nhưng ý nhỏ này em muốn hỏi lại để nhờ chị làm rõ hơn…”; hay “Em có tìm kiếm trên trang của chị, nhưng hình như chưa thấy chị làm về đề tài này, chị có thể trả lời giúp em…”; hay “Em đã tìm kiếm Google nhưng thông tin chung chung quá, chị giải thích giúp em phần này…”
Điều này chứng tỏ bạn đã làm “homework” trước khi hỏi xin ý kiến—một cách làm không lười biếng.
Giải mã tên gọi thành phố Nelson, New Zealand qua từ điển của du học sinh Việt
4. Đề nghị có chừng mực
Mình từng nhận rất nhiều tin nhắn nhờ làm hộ bài tập về nhà tiếng Anh, biên tập hộ bài luận, gợi ý hộ đề tài viết bài trên lớp… Những đề nghị này không chỉ trái với đạo đức giáo dục của người làm nghề như mình mà còn khiến mình cảm thấy sao các bạn nghĩ người khác rảnh rang làm việc hộ cho bạn dễ quá vậy .
Đó là còn chưa kể tới những lời đề nghị “kém duyên” như chia sẻ thông tin cá nhân (tuổi tác, cân nặng, hôn nhân…) hay yêu cầu người khác phải làm cái này, cái kia để phục vụ mục đích của riêng bạn. Những đề nghị qua tin nhắn (nhất là lần đầu) rất nên có chừng mực.
5. Tôn trọng và cảm ơn vì thời gian người khác dành cho mình
Nếu ai đó dành thời gian bận rộn trong ngày của họ để trả lời tin nhắn, hỗ trợ bạn điều gì đó, đừng quên cảm ơn họ (kể cả khi chia sẻ của họ có giúp được bạn hay không). Đó là phép lịch sự tối thiểu ở trong mọi giao tiếp xã hội, online hay offline, qua việc nhắn tin hay trò chuyện trực tiếp.
Mình hy vọng những chia sẻ ngắn này giúp bạn hiểu hơn về văn hoá nhắn tin trên mạng — nhìn từ góc độ của một người hàng ngày nhận rất nhiều tin nhắn (và luôn cố gắng trả lời nhiều nhất có thể) .
Nguồn: The Present Writer
Hãy thử khám phá chương trình cực kỳ chất lượng cho các bạn muốn chiến thắng học bổng toàn phần và các chương trình nước ngoài ở đây nhé.